Ba khía sống ở môi trường nước lợ, nơi các cửa sông, cửa rạch đổ ra biển, có nhiều nhất ở các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu… Ba khía thuộc loài giáp xác, hình dáng và kích cỡ giống như con cua đồng, sống ở vùng nước mặn, lợ, ven sông rạch, nhất là dưới chân rừng ngập mặn.
Sở dĩ loài giáp xác này có tên ba khía là do bắt nguồn từ ba dấu gạch ở trên lưng. Cách bắt và chế biến ba khía không cầu kỳ, tạo thành những món ba khía mang đậm nét văn hóa ẩm thực miền Tây.
Tháng 10 là mùa ba khía. Phải vào những ngày mưa, thịt ba khía mới chắc và ngọt. Vào thời điểm này, ba khía bu đen đặc gốc cây trong rừng ngập mặn. Người đi bắt ba khía mang theo bao tay, đèn… chèo xuồng luồn lách trong các mương xẻo, tìm bắt nơi các gốc đước khi chúng rời hang kiếm ăn hoặc thò tay vào hang, thậm chí câu hoặc dùng bẫy bắt ba khía.
Ba khía được chế biến thành nhiều món ăn như: ba khía chiên giòn, ba khía rang me, ba khía luộc nước dừa, gỏi ba khía… Nhưng ấn tượng nhất có lẽ là món mắm ba khía. Ba khía khi được chế biến xong có màu nâu sậm, rục rã với các chất thịt sền sệt bám quanh sẽ xé ra, cho vào bát cơm là ngon ngất. Để chế biến món mắm ba khía cần có tỏi, ớt giã nhuyễn cùng với đường, chanh, thêm ít rau răm cho có hương vị ngon hấp dẫn.
Vị mằn mặn của ba khía được hòa quyện cùng vị ngọt ngọt của đường, cay cay của ớt và một chút chua của chanh khiến càng ăn càng bắt vị và mê luyến hương vị của món ăn này.
Nhưng để có được những mẻ mắm ba khía ngon cho bữa cơm thường việc mua ba khía sẽ là một việc làm quan trọng nhất bởi người miền Tây có quan niệm ba khía ngon phải là ba khía nhỏ, chắc thịt, nhiều gạch, còn những con lớn thường sẽ rất ít thịt, sẽ ngon hơn nếu mua được những con ba khía đang ốp trứng, như vậy khi ăn bạn cũng sẽ cảm nhận được vị bùi của thịt và trứng của nó.