7 món đặc sản miền Tây Nam Bộ “ngon hết sảy” không “đụng hàng” với bất kì miền nà

10-06-2023

Bạn có biết, miền Tây đâu có cảnh quan tuyệt sắc, nơi đây còn là một thiên đường ẩm thực phong phú và mới lạ. Với thế mạnh về đất đai và nguồn nước, Tây Nam Bộ sở hữu riêng cho mình nhiều loại thực phẩm đa dạng từ lúa gạo, cá tôm, rau xanh và trái cây, người dân nơi đây luôn sáng tạo ra nhiều món đặc sản miền Tây Nam Bộ không nơi nào có. Cùng tìm hiểu các món ngon chỉ có ở miền Tây nào bạn!

1. Bánh canh Vĩnh Trung

Người ta hay gọi món bánh canh Vĩnh Trung là bánh canh Khmer. Món bánh canh này trở thành đặc sản của vùng Thất Sơn – An Giang – Tây Nam Bộ là vì sợi bánh của món ngon này gần giống bánh phở, nhưng mềm dai và trơn tuột hơn, được làm từ gạo Neang Nhen – gạo của người Khmer thơm ngon và có sản lượng không nhiều mỗi năm.

Nước lèo của món bánh canh Vĩnh Trung có vị ngọt tự nhiên vì được hầm từ cá đồng, xương gà, xương heo và tôm. Với sợi bánh canh tự làm từ loại gạo đặc biệt của người Khmer cùng nước cùng ngọt thanh chất lượng, nên bánh canh Vĩnh Trung được xem là món đặc sản chỉ có vùng Thất Sơn – An Giang mới có.

đặc sản miền Tây Nam Bộ

Bánh canh Vĩnh Trung có sợi bánh canh dẹt, được làm từ gạo của người Khmer.@Vnexpress

Địa điểm bán bánh canh Vĩnh Trung tại Tây Nam Bộ

Bánh canh Vĩnh Trung Mỹ Tiên- Đại lộ Lê Lợi, xã Vĩnh Trung, Huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang
Bánh Canh Vĩnh Trung Nghi Nhơn – Số 177/22 đường Phan Tôn, phường Đông Xuyên, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang

2. Bún gỏi dà

Đây là món đặc sản hiếm ai biết ở miền Tây Nam Bộ, bún gỏi dà thường thấy nhiều nhất ở Sóc Trăng. Theo như chia sẻ của dân địa phương, thì món bún này có nguồn gốc từ gỏi cuốn tôm thịt, với gỏi cuốn các nguyên liệu sẽ được gói gọn trong tấm bánh tráng gạo. Nhưng ở bún gỏi dà, các nguyên liệu được cho vào tô và chan nước lèo riêng.

đặc sản miền Tây Nam Bộ

Bún gỏi dà và gỏi cuốn có sự tương đồng về nguyên liệu chế biến, nhưng lại khác nhau về cách ăn.@Vietgiaitri

Ngoài các nguyên liệu giống gỏi cuốn tôm thịt, bún gỏi dà được bổ sung thêm dừa nạo và hột vịt lộn. Điểm đặc biệt nhất của món bún lạ này chính là nước lèo. Nước hầm từ xương có vị chua chua của me và hương thơm đặc trưng của tương hột, thường được chan chung với bún hoặc để riêng.

Các bạn có thể thêm nước cốt tắc, một ít ớt và rau sống để tăng phần đầy đặn cho tô bún, giúp tô bún thêm dậy vị.

Địa điểm bán bún gỏi dà tại Tây Nam Bộ

Bún gỏi dà Cô Hằng – Số 13 đường Nguyễn Văn Hữu, phường 1, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Bún gỏi dà Ngọc Nữ – Số 57 đường Hương Lộ 12, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng

3. Mắm bò hóc

Các loại cá mùa nước nổi là nguyên liệu chính làm nên loại mắm này, thường là cá lóc và cá linh. Đây là loại mắm do người Khmer sáng tạo và làm nên. Mắm bò hóc của dân tộc Khmer được làm sạch, nêm nếm gia vị, được ủ với muối – gạo trong 4-6 tháng trước khi ăn. Mắm bò hóc có mùi thơm của cá tươi lên men và mùi hương gạo thanh tao. Ngoài lớp mắm chất lượng, thứ làm bao tín đồ ẩm thực đổ gục chính là nước mắm đặc sánh, đây chính là tinh hoa của cả hủ mắm.

Ở nhiều tỉnh miền Tây Nam Bộ, người ta thường dùng mắm bò hóc để làm nước chấm món cuốn, để làm gia vị cho các món ăn và đây là một nguyên liệu không thể thiếu trong món lẩu mắm huyền thoại của miền Tây Nam Bộ.

đặc sản miền Tây Nam Bộ

Mắm bò hóc là nước chấm và gia vị cho nhiều món đặc sản miền Tây Nam Bộ.@Shutterstock

Địa điểm bán mắm bò hóc tại Tây Nam Bộ

Chợ Châu Đốc – đường Bạch Đằng, phường Châu Phú An, thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang
Một số chợ lớn nhỏ tại khu vực miền Tây Nam Bộ

4. Cà na

Cà na là một loại quả dại xuất hiện nhiều nhất ở miền Tây vào các tháng 8-9 hàng năm. Trái cà na nhỏ, có vỏ màu xanh mịn, mỗi trái chỉ dài tần 2 đốt ngón tay, hình dáng tròn dài.

Cách ăn cà na rất đơn giản, chỉ cần rửa sạch rồi đập dập và chấm cùng muối ớt là ngon số một. Cà na có vị chua xen lẫn vị chát, lâu lâu lại thoang vị hơi the nhẹ. Cà na không chỉ dùng để ăn sống, loại quả này đập dập sau đó xóc với muối ớt và đường cũng ngon.

Với những ai thích ăn nhiều nhiều món lạ hơn, bạn có thể dùng cà na để sên với đường, ngâm chua ngọt cũng ngon hết ý. Dù chỉ là một loại quả dại chỉ xuất hiện vào mùa lũ đến, nhưng cà na đối với trẻ con miền Tây là một thức quà vặt ngon và đặc sắc nhất.

đặc sản miền Tây Nam Bộ

Cà na là một loại quả dại có vị chua và chát, kết hợp với vị mặn cay của muối ớt là “hết sảy”.@Shutterstock

Địa điểm bán cà na tại Tây Nam Bộ

Các gánh hàng rong và khu chợ ở miền Tây Nam Bộ (bạn sẽ dễ mua nhất vào tháng 8-9 hàng năm)

5. Bồn bồn

Bồn bồn là một loại cây mọc dại, thường xuất hiện nhiều vào tháng 6 đến tháng 11. Ngoài cái tên bồn bồn giản dị, bạn còn thể nghe người ta gọi nó là thủy hương. Bồn bồn có lá xanh gốc trắng, rễ thả nổi, thường mọc trên cánh đồng chua, trên mặt trước có nhiều phèn mặn.

Phần được tận dụng nhiều nhất của bồn bồn là phần lõi nón của phần ngon. Đây cũng là một loại cây mọc dại ở miền Tây Nam Bộ, nhưng không chỉ ăn ngon còn mang lại nhiều giá trị dinh dưỡng cho sức khỏe con người. Món ngon này được xếp vào hàng rau dưa, khi ăn vào có vị ngọt thanh, giòn nhẹ.

Bồn bồn được người dân miền Tây tận dụng để cho ra đời nhiều món ngon như bồn bồn muối chua, gỏi bồn bồn tôm thịt, canh chua bồn bồn nấu với lươn, bồn bồn xào tôm,…

đặc sản miền Tây Nam Bộ

Bồn bồn giòn ngọt làm món gì cũng ngon, nhưng ngon nhất là làm gỏi.@SM Online

Địa điểm bán bồn bồn tại miền Tây Nam Bộ:

Các khu chợ lớn nhỏ ở miền Tây Nam Bộ (ở đây các bạn có thể mua được bồn bồn tươi và dưa chua bồn bồn)
Hầu hết các nhà hàng, quán ăn ở miền Tây Nam Bộ (những nơi này thường bán các món chế biến từ bồn bồn như gỏi, canh,…)

6. Bún nước kèn

Nước dùng của loại bún này được nấu từ nước cốt dừa, bột cà ri, bột nghệ, thịt cá lóc tươi, tôm khô. Bún nước kèn có màu vàng bắt mắt, nước súp hơi sệt và béo nhẹ vị nước cốt dừa, vị ngọt thanh của tôm khô và cá tươi mang lại.

Bún nước kèn ăn đúng điệu là nên ăn cùng rau muống bào, bắp chuối và giá. Có thêm rau, vị béo của bún kèn sẽ được trung hòa và tạo ra một hương vị cuốn hút vị giác. Dân” sành ăn” sẽ luôn có một chén muối ớt chanh kế bên để chấm cùng cá và rau, để hương vị của món bún thêm ngon, thêm đậm đà.

Lưu ý: thịt cá trong bún nước kèn ở một số nơi sẽ là cá lóc, nhưng đôi khi cũng có chỗ nấu với cá biển.

đặc sản miền Tây Nam Bộ

Bún nước kèn được nhiều người nói là món ngon kết hợp giữa bún nước lèo và cà ri nước cốt dừa @Ngoisao.net

Địa điểm ăn các món ngon làm từ bồn bồn tại miền Tây Nam Bộ:

Bún kèn Phú Quốc: Số 17C/20 đường Nguyễn Tri Phương, phường An Khánh,Quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Bún Nước Kèng: Đường Phan Văn Vàng, phường Châu Phú A, thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang.

7. Bánh tầm cay

Bánh tầm cay hay bánh tằm cay là loại bánh có sợi bánh tròn mập nhìn giống con tằm được làm từ bột gạo ngon, khi nhai sẽ có cảm giác hơi dai dai. Nước sốt ăn cùng bánh tằm cay là súp cà ri gà và xíu mại. Cà ri cay cay nóng hổi kết hợp với thịt xíu mại thơm và sợi bánh tằm dai là sự hòa quyện hoàn hảo của ẩm thực. Bánh tầm cay sẽ được ăn với giá, rau sống và húng quế, bên cạnh có thêm một chén muối tiêu chanh để chấm kèm.

đặc sản miền Tây Nam Bộ

Bánh tầm cay có hương vị cay cay xè của cà ri, ăn ngon nhất khi bánh còn nóng hổi @Vnexpress

Địa điểm ăn các bánh tầm cay tại miền Tây Nam Bộ:

Bánh tầm cay cà ri Cô Lan: Số 15/47 đường Lý Bôn, thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau
Quán A Xi Giá: Đường Trưng Nhị, phường 2, thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau
Bánh Tầm Cay Đạo: Số 24A Bùi Thị Xuân, phường 4, thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau.
Đặc sản miền Tây Nam Bộ là kho tàng ẩm thực quý giá của Việt Nam, các món ăn nơi đây dân dã nhưng lại mang hương vị khiến thực khách khó thể nào quên. Nếu có dịp ghé thăm các tỉnh thuộc miền quê sông nước này, hãy cố gắng thưởng thức nhiều nhất các món đặc sản nơi đây bạn nhé!